ads

Tác giả Cổ Long

Cổ Long
Cổ Long
 Cổ Long
Bút danh: Cổ Long
Quốc tịch: Đài Loan 
Học vấn: Trung học
Công việc: Tiểu thuyết gia
Thể loại: Võ hiệp




    Cổ Long tên thật là Hùng Diệu Hoa. Năm sinh chưa được xác định, có tài liệu nói ông sinh năm 1936, có tài liệu nói năm 1937. Có tài liệu nói ông sinh tại Hồng Kông, có tài liệu nói ông sinh ở Trung Hoa lục địa. Tuy nhiên, quê quán (tổ tịch) của ông là ở Giang Tây, Trung Quốc. Ông là một tác gia tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng mọi thời đại, là người khởi nguồn cho dòng tiểu thuyết kiếm hiệp tân phái.

     Năm 1952, Cổ Long theo cha mẹ di cư sang Đài Loan sinh sống. Thời thơ ấu, Cổ Long luôn cảm thấy lẻ loi, cô độc. Do hoàn cảnh khó khăn, ông thường phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, gây gổ với nhau. Sau đó, gia đình tan vỡ, cha mẹ chính thức ly dị. Bởi lý do đó mà ông bỏ nhà, sống một mình tại trấn Thụy Phương, ở ngoại ô quận Đài Bắc, tự lực tìm cách sinh nhai và học hành. Ngay từ thuở nhỏ, Cổ Long đã đọc và rất yêu thích các tác phẩm võ hiệp cổ điển của Trung Quốc. Sau đó mấy năm, ông còn đọc thêm các bộ tiểu thuyết cận đại của Nhật Bản, các tác phẩm văn học của Tây phương.

     Cổ Long bắt đầu viết văn từ rất sớm. Từ khi học năm thứ hai ở Bộ Sơ trung, Trường Cao cấp Trung học, thuộc Đại học Sư phạm Đài Loan (tương đương lớp 7 ở Việt Nam), ông đã bắt đầu phiên dịch các tác phẩm văn học ngắn của Tây phương. Bản dịch đầu tiên của ông gửi đăng ở tạp chí Thanh niên Tự do và kiếm được một ít nhuận bút. Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của Cổ Long chính thức bắt đầu là vào thời gian cuối cấp II. Năm 1956, Cổ Long đã viết bài văn "Từ miền Bắc đến miền Nam" gửi đăng ở tạp chí "Ánh mai" (tức "Thần quang") do Ngô Khải Vân chủ biên và nhận được khoản nhuận bút kha khá. Bắt đầu từ đó, Cổ Long tiếp tục viết thêm nhiều bộ tiểu thuyết và văn xuôi, tuy nhiên các tác phẩm thuở ấy chỉ thuần về văn học và chủ yếu là viết về tình yêu nam nữ.

     Sau khi tốt nghiệp Cấp III tại trường Trung học Thành Công, năm 1957, Cổ Long thi đậu vào Trường Cao đẳng dân lập chuyên khoa Anh ngữ "Đạm Giang" (trường này thành lập từ năm 1950, đến 1980 được nâng cấp thành Trường Đại học Đạm Giang). Tuy nhiên, sang năm thứ hai thì Cổ Long nghỉ học, chính thức sống bằng nghề viết văn.
Năm 1960, qua sự động viên và ủng hộ của bạn bè, Cổ Long đã viết bộ Thương khung thần kiếm. Đây là bộ truyện mở đầu cho sự nghiệp tiểu thuyết võ hiệp của ông, vì vậy, kỹ thuật viết không hay, nó giống như là thuật lại sơ lược một câu chuyện.

     Trong thời gian 1960-1964, Cổ Long viết được hơn chục bộ truyện võ hiệp nhưng hầu hết đều ở mức trung bình. Chỉ đến năm 1965 thì sự nghiệp mới bắt đầu chín mùi, lúc đó ông có thể viết cùng lúc hai ba bộ tiểu thuyết với nội dung đặc sắc và luôn giao bản thảo sớm hơn thời gian qui định. Mười năm sau, không biết có phải sức khoẻ suy thoái do tửu sắc mà các tác phẩm võ hiệp của ông dần dần mất đi những ý tưởng độc đáo (năm 1977 ông đã phát hiện mình mắc bệnh viêm gan, sức khoẻ ngày càng suy giảm nhưng vẫn cứ tiếp tục uống rượu). Năm 1980, trong khi ăn tiệc ở nhà hàng "Ngâm tùng Các", không biết ông gây xích mích rồi ẩu đã như thế nào mà bị người ta chém. Vết thương khá nặng, làm cho ông mất máu khá nhiều, nghe nói đến 2 lít. Khoảng thời gian đó đến cuối đời, Cổ Long bắt đầu sa sút, luôn nhận tiền nhuận bút trước của các nhà xuất bản nhưng thuờng giao bản thảo trễ hạn. Hoặc tác phẩm mở đầu thì khá nhưng về sau có lẽ do viết tháu để nộp bài cho kịp, vì vậy mà câu chuyện đầu voi đuôi chuột (Hổ đầu xà vĩ). Có đôi lúc Cổ Long lại bỏ dỡ nữa chừng, nhà xuất bản buộc phải tìm những Sinh viên Đại học có khả năng để viết tiếp phần cuối. Lúc ấy trên lĩnh vực tiểu thuyết võ hiệp xuất hiện bút danh "Thượng Quan Đỉnh", đó tuyệt không phải là bút danh của một nhà văn nào mà chính là nhiều sinh viên Đài Loan, người này tiếp nối người kia để viết bổ sung cho tác phẩm của Cổ Long. Việc làm này đưa đến một sự kiện dở khóc dở cười là ở tác phẩm "Kiếm độc Mai Hương", Thượng Quan Đỉnh viết phần cuối càng về sau càng trật bản lề, dẫn đến việc độc giả lo âu nghiêm trọng. Ngay cả Cổ Long, khi xem lại phần viết thêm của Thượng Quan Đỉnh cũng cảm thấy muốn té xỉu. Để sửa sai, Cổ Long phải chấp bút viết lại phần cuối của bộ sách này.

     Trong suốt cuộc đời của Cổ Long, có lẽ bị ảnh hưởng từ gia đình mà ông rất sợ cô độc. Bởi thiếu thốn tình yêu thương trong gia đình, ông giao thiệp với bạn bè rất rộng và đối xử với họ rất tốt. Ông uống rượu nhiều và thường kết giao với bạn bè qua bàn rượu, vì vậy mà quan hệ bạn bè của Cổ Long khá phức tạp. Những người bạn cùng học với ông ở Trường chuyên khoa Anh ngữ “Đạm Giang” kể lại rằng ông có quan hệ tốt với bạn học và cũng rất quí trọng tình bạn. Vì vậy mà trong rất nhiều tác phẩm của Cổ Long, tên của các bạn học thời ấy đã được Cổ Long sử dụng làm tên nhân vật, thậm chí là mô tả tướng mạo, tính cách đều rất sát với con người thật.

     Cổ Long yêu gái đẹp và quan hệ với rất nhiều cô. Ngay từ thời học sinh đã sống chung với vũ nữ Trịnh Lợi Lợi, có với cô này một đứa con trai. Rồi ông lại say mê vũ nữ Diệp Tuyết, cũng có với cô này một đứa con trai. Sau đó, ông kết hôn với Mai Bảo Châu, là nữ sinh học Cấp III. Do không chịu được tính khí của Cổ Long, dù đã có với ông một đứa con trai, Mai Bảo Châu đã ly hôn với ông. Cuối cùng, Cổ Long kết hôn với Vu Tú Linh và ở với nhau cho đến cuối đời. Ngoài những mối tình chính thức kể trên, Cổ Long cũng âm thầm quan hệ với nhiều người phụ nữ khác.

     Tương truyền bút danh "Cổ Long" của ông cũng có liên quan đến một người con gái. Trong khi theo học tại Trường chuyên khoa Anh ngữ "Đạm Giang", lớp của ông có tất cả là 36 học sinh, tuy nhiên trong số đó chỉ có 4 nữ. Trong số 4 nữ sinh ấy, có một cô tên "Cổ Phụng" là đẹp nhất nhưng lại tỏ ra cô độc, rất hiếm khi chuyện trò với các bạn cùng học. Các bạn trai trong lớp thường hay trêu chọc cô gái này, họ đã đặt cho cô ta biệt hiệu là "Chim". Hùng Diệu Hoa cảm thấy yêu thích Cổ Phụng, vì vậy mà chủ động tiếp cận, làm quen. Tuy nhiên, với vóc người lùn thấp (khoảng 1,56 mét), đầu thì to như quả dưa, miệng rộng, mắt hí (các bạn học đặt cho Hùng Diệu Hoa biệt hiệu "Đầu to"), Cổ Phụng không thèm để mắt đến anh chàng này. Sau đó một thời gian, cha của Cổ Phụng qua đời. Hùng Diệu Hoa hay được tin, mặc dù lúc ấy đang mưa to như thác đổ, cũng vội tìm đến nhà Cổ Phụng để an ủi. Lúc Hùng Diệu Hoa đến nhà thăm viếng, vì Cổ Phụng không có người thân nào bên cạnh nên rất xúc động, sà vào lòng của anh ta mà khóc nức nở. Hùng Diệu Hoa cũng liên tưởng đến hoàn cảnh đáng thương của gia đình mình nên cùng khóc theo cô nàng. Lát sau, Cổ Phụng bớt đi đau thương thì chợt thấy mình đang tựa vào lòng của Hùng Diệu Hoa, vì vậy mà vội xê người ra và lên tiếng mời Hùng Diệu Hoa rời khỏi nhà mình. Hùng Diệu Hoa cố gắng giãi bày, nói rõ tình cảm của mình đối với Cổ Phụng là chân thành và sâu sắc, tuy nhiên Cổ Phụng vẫn không chấp nhận. Hùng Diệu Hoa bèn lập lời thề là nếu không được sống chung với Cổ Phụng, ông sẽ làm cho cô ta mãi mãi nhớ đến mình. Từ đó, Hùng Diệu Hoa bắt đầu sử dụng bút danh "Cổ Long" (Không rõ có phải vì câu chuyện này mà Hùng Diệu Hoa bỏ học vào năm thứ hai ở Trường chuyên khoa Anh ngữ "Đạm Giang").

     Khoảng thời gian 1984-1985, sức khoẻ của Cổ Long sa sút trầm trọng. Ông mất vào lúc 18 giờ 3 phút ngày 21 tháng 9 năm 1985 vì biến chứng của bệnh sơ gan, làm cho tĩnh mạch trướng thực quản vỡ ra, xuất huyết trầm trọng. Trong đám tang của Cổ Long, những người phụ nữ từng quen biết hoặc quan hệ với ông trước đây đều không có ai đến viếng (Người ta kể rằng: câu nói cuối cùng của Cổ Long trước lúc qua đời là "Sao chẳng có người bạn gái nào đến thăm tôi cả?"). Lúc hạ huyệt, bạn bè của ông lần lượt đem rượu đến đặt bên quan tài. Có lẽ họ đã bàn bạc với nhau từ trước, vì vậy mà người ta đếm được có tất cả 48 chai rượu loại XO (là loại rượu Cổ Long thích uống nhất khi còn sống), tương ứng với số tuổi mà Cổ Long hưởng dương (dựa theo chi tiết này thì Cổ Long sinh vào năm 1937).

     Sự nghiệp sáng tác của ông tạm chia ra làm 3 giai đoạn đó là :
  • Cổ Long thời kỳ đầu (1960-1964): giai đoạn này Cổ Long còn chưa định hình được phông cách, không có gì đặc biệt.
  • Thời kỳ đỉnh cao (1965-1979): Giai đoạn này ông viết rất sung sức, có những tác phẩm, những nhân vật tuyệt vời đưa Cổ Long lên ngang hàng với Kim Dung trở thành 2 tác giả lớn nhất của làng tiểu thuyết võ hiệp.
  • Giai đoạn cuối (1980 đến cuối đời): Lúc này sức khoẻ của ông đã rất kém, hậu quả của lối sống phóng túng. Ông viết không còn nhiều ý tưởng, ảm đạm và thường không còn viết được trọn một tác phẩm nào.

Tác phẩm

     Có tài liệu nói Cổ Long đã viết 82 tác phẩm, tuy nhiên con số này bao gồm cả những truyện giả Cổ Long, hoặc Cổ Long nhờ người khác viết cho kịp giao nhà xuất bản. Khi biên tập bộ Cổ Long tác phẩm tập, Hội Văn học võ hiệp Trung Quốc đã xác định con số 69 tác phẩm.

     Tiểu thuyết của ông mang phong cách hiện đại, tính triết lý sâu sắc, rất khác biệt với các võ hiệp tiểu thuyết gia cùng thời và trước đó. Truyện của ông hoàn toàn hư cấu về thời gian và không gian nhưng tâm lý và quan hệ của các nhân vật trong truyện lại rất thật. Cổ Long không miêu tả kỹ về xuất thân và võ công mà xoay quanh nội tâm của các nhân vật, thường thì họ không phải những mẫu anh hùng điển hình toàn diện, mà là một con người thực, có tốt có xấu, có lúc sai có lúc đúng, ham mê tửu sắc giống như bản thân Cổ Long. Kết thúc truyện của ông đôi khi rất dở dang nhưng chính sự dở dang đó đã để lại nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc, giúp chúng ta hiểu ra được nhiều điều. Những tác phẩm nổi tiếng của Cổ Long có thể kể đến: Sở Lưu Hương, Đa tình kiếm khách vô tình kiếm, Tuyệt đại song kiêu, Lục Tiểu Phụng, Tiểu lý phi đao...


Truyện kiếm hiệp online hay nhất tại truyenkiemhiepso1.blogspot.com
Tác giả Cổ Long Tác giả Cổ Long Reviewed by Phạm Thu Hương on 21:58 Rating: 5

Không có nhận xét nào: