ads

Giác Viễn

Hoa Văn

(Vietkiemhiep) - Giác Viễn là một nhà sư không có vai vế gì trong phái Thiếu Lâm, nhưng những gì liên quan đến Giác Viễn thì đều là những tình tiết quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều sự kiện, nhân vật khác danh trấn giang hồ. Giác Viễn là nhân vật phụ, xuất hiện ngắn ngủi trong phần cuối Thần điêu hiệp lữ và phần đầu Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung.


Nguyên Giác Viễn là nhà sư được giao nhiệm vụ coi giữ tàng kinh các (kho chứa sách kinh) của Thiếu Lâm tự. Công việc hàng ngày của y là quét bụi, lau ghế, chống mối mọt phá hoại kinh sách, giữ sách nguyên vẹn phục vụ các nhà sư khác vào đọc để rèn luyện võ công.

Chẳng may thế nào, y đã làm mất quyển kinh rất quý có tên là kinh Lăng già (thực ra là bị trộm mất, mặc dù biết được hai tên trộm và đã truy đuổi theo, nhưng vẫn không tìm lại được). Vì thế, Giác Viễn bị chùa Thiếu Lâm phạt bằng giới luật là mỗi ngày phải gánh hai trăm thùng nước dưới dốc lên chùa trên núi, đổ vào trong giếng của nhà chùa, trong suốt 10 năm. Và không được nói trong suốt thời gian bị phạt. Chưa hết, chân hai tay y còn bị khóa bằng xích sắt rất nặng nề.

Giác Viễn tình cờ mà quen biết với Quách Tương, ái nữ của Quách Tĩnh - Hoàng Dung (trong Thần điêu hiệp lữ). Nên khi Quách Tương trên đường lang bạt giang hồ đi tìm Dương Quá, đến chùa Thiếu Lâm, thấy Giác Viễn chân tay bị xiềng khóa, lại gánh một đôi thùng to bằng sắt nặng khoảng hai trăm cân, múc đầy nước vào sức nặng có thể lên bốn trăm cân (khoảng 240 kg ngày nay). Quách Tường từng quen biết Giác Viễn, thấy ông bị xiềng khóa thì nổi lòng thương mến, dùng kiếm chặt đứt xiềng khóa cho ông. Giác Viễn chẳng những không mừng là lại tỏ ra lo lắng.

Giác Viễn có một gã đệ tử tục gia tên là Trương Quân Bảo, nhỏ hơn Quách Tương chừng ba tuổi,  chuyên nấu nước pha trà giúp y. Hai thầy trò ở trong tàng kinh các, chẳng giao du với ai. Họ có một lần lên núi Hoa Sơn gặp được Dương Quá. Ấy vậy mà Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo tìm đến xin gặp gỡ và lĩnh giáo Giác Viễn mới là chuyện lạ lùng.

Trước quần tăng chùa Thiếu Lâm, Hà Túc Đạo dùng một viên đá nhỏ kẻ trên nền đá một bàn vi kỳ. Nội công anh ta thật thâm hậu, những đường kẻ như khắc trên nền đá, ngay ngắn và sâu cạn như nhau. Nhà sư Giác Viễn thản nhiên gánh đôi thùng nước, bước theo những nét kẻ đó. Chân ông bước tới đâu, nét kẻ của Hà Túc Đạo bị xóa mờ tới đó.

Hà Túc Đạo nổi nóng, dùng kiếm đánh Giác Viễn. Giác Viễn chân tay cuống quýt, dùng đôi thùng nước nặng chống trả đường kiếm. Hai chiếc thùng sắt kẹp cứng lưỡi kiếm của nhân vật được tôn xưng là kiếm thánh. Thẹn quá hóa giận, Hà Túc Đạo bỏ kiếm, phát chưởng đánh Giác Viễn. Cậu bé Trương Quân Bảo xuất chưởng cứu thầy, chịu đúng ba chưởng của Hà Túc Đạo mà vẫn an toàn. Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo tuyệt vọng, đau đớn khi biết võ công của mình kém xa một kẻ bình thường giữ tàng kinh các và một cậu bé pha trà, quét rác trong chùa Thiếu Lâm. Y bỏ chạy về Côn Luân, từ đó không dám xuống Trung Nguyên nữa.

Quần tăng chùa Thiếu Lâm được chứng kiến trận đánh. Ai cũng khen thầy trò Giác Viễn đã đuổi được một kình địch, bảo vệ danh tiếng cho chùa Thiếu Lâm.

Nhưng dưới đôi mắt của các vị cao tăng Thiếu Lâm thì thầy trò Giác Viễn đã phạm trọng tội học lén võ công của nhà chùa. Phương trượng ra lệnh bắt giữ thầy trò Giác Viễn.

Trước tình thế nguy cấp, Giác Viễn múc Quách Tương một bên, Trương Quân Bảo một bên thùng, quay đôi thùng sắt như hai quả chùy lớn chống trả quần tăng. Rồi ông cứ gánh cả hai, chạy băng băng lên núi. Quần tăng chùa Thiếu Lâm đuổi theo nhưng khinh công của họ còn kém Giác Viễn rất xa.

Chạy đến nửa đêm, Giác Viễn dừng lại dưới một gốc đại thụ. Quách Tương và Trương Quân Bảo nhảy ra khỏi thùng, thấy khí sắc của ông rất mệt mỏi. Ông ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây, chắp tay niệm Phật và đọc kinh Lăng ca. Quách Tương và Trương Quân Bảo nằm cạnh ông, để tai lắng nghe. Trong những thuật ngữ của kinh Phật, họ nghe được những câu viết về về cách luyện công, cách phát chiêu.

Hóa ra ngày trước, một vị cao tăng nào đó sợ đời sau sa đà vào võ học mà quên Phật pháp, đã chép chung Cửu dương công, một công phu tối cao của Thiếu Lâm tự vào chung trong quyển kinh Lăng ca. Giác Viễn chất phác, cứ nghĩ đó là kinh Lăng ca bình thường, ngày nào cũng đọc đến nỗi thuộc lòng. Công lực ông tăng tiến một cách không ngờ, ngay đến chính ông cũng chẳng biết. Ông đánh nhau với Hà Túc Đạo, cứu Quách Tương và Trương Quân Bảo cũng chỉ là quán tính trước tình huống nguy hiểm mà thôi.

Quách Tương và Trương Quân Bảo nằm nghe Giác Viễn đọc kinh, thuộc được một mớ khẩu quyết. Trời rạng sáng, họ không nghe ông đọc nữa. Trương Quân Bảo nghĩ có lẽ sư phụ mệt mỏi nên đã ngủ rồi. Nào ngờ sáng ra, khi lay thầy dậy, cậu thấy tay chân thầy lạnh giá. Nhà sư đã như ngọn đèn cạn dầu, chết đi thầm lặng khi đọc chữ cuối cùng trong bộ kinh Lăng ca. Đúng lúc đó thì Vô Sắc đại sư của chùa Thiếu Lâm xuất hiện. Ông làm lễ cầu siêu cho Giác Viễn.

Phần Cửu dương công mà Giác Viễn đọc lên in vào trí nhớ của ba người Vô Sắc, Quách Tương và Trương Quân Bảo. Vô Sắc đem phần ấy dạy cho đệ tử Thiếu Lâm, thành ra Thiếu Lâm Cửu dương công.

Quách Tương thì tìm người thầm yêu là Dương Quá hoài mà không gặp, nên cuối cùng buồn lòng lên núi Nga My đi tu, lập ra môn phái Nga My, dạy các đệ tử Nga My Cửu dương công.

Trương Quân Bảo thì sau khi sư phụ mất và chia tay Quách Tương, sau phút ngơ ngác mềm yếu ban đầu, đã quyết định tự mình làm chủ định mệnh mình, lưu lạc đến một vùng núi cao, thấy ba ngọn núi khá hùng vĩ, bèn đổi tên mình lại là Trương Tam Phong. Trương Tam Phong nhớ lại Cửu dương công của thầy, tự lập ra phái Võ Đang tu theo Đạo giáo, lấy Võ Đang Cửu dương công làm căn bản. Ông ta trở thành một đại tôn sư võ học, sống trên 104 tuổi.

Như vậy, có thể nói sư Giác Viễn tuy khi còn sống là kẻ vô danh, nhưng khi chết lại trở thành một "sư phụ" của hai tổ sư hai môn phái lớn là Nga My và Võ Đang vậy.

--------------------

Bài liên quan:

Giác Viễn Giác Viễn Reviewed by Phạm Thu Hương on 00:06 Rating: 5

Không có nhận xét nào: