ads

Cô Gái Đồ Long - Hay là câu chuyện về Thị phi

Thanh Giang

(Vietkiemhiep) - Tôi còn nhớ hồi học đại học, cô giáo dạy Tâm Lý Học của tôi nói một câu mà tôi cho là chí lý "con người ta khi nhìn vào mặt người khác, thì thấy cái khuyết điểm to đùng trước mắt, còn cái tốt đẹp của họ thì ở sau gáy". 


Nghĩ lại cũng đúng thật, tâm lý của người ta là, hiếm ai thấy thích người khác tốt đẹp và giỏi giang hơn mình. Và người ta luôn nhìn thấy cái xấu của người khác nhiều hơn cái tốt. Nếu người xấu hơn, họ bịa ra những chuyện để nói xấu người khác. Đó là chuyện thị phi, vẫn xảy ra trong xã hội chúng ta.

Chúng ta ra đường nhìn thấy những ông những bà bận áo quần đẹp, đồ trang sức đắt tiền, đi trên những chiếc xe hơi đời mới, tay cầm một cặp xách dày cộp, trông vẻ trí thức, đích thị đây là một người có vị trí trong xã hội. Chúng ta đon đả mời chào vì thầm nghĩ, họ là tầng lớp tinh hoa của xã hội.

Chợt nhìn thấy bên lề đường một người bán báo, vé số hay thuốc lá dạo, những đứa trẻ đánh giày, những người vô công rồi nghề ngất ngưởng trên hè phố, chúng ta bỉu môi thầm nghĩ, những người đó là những kẻ tận cùng của xã hội. Và chúng ta dễ dàng quay mặt đi nơi khác với một nỗi khó chịu

Những có lúc nào chúng ta nghĩ, trong đám người thượng lưu kia là có kẻ là tham ô tham nhũng, ăn trộm ăn cắp tinh vi, có kẻlừa tình lừa tiền, có kẻ trí thức hơn là mua bán bằng cấp, bằng sự luồn cúi để bước lên trong bậc thang xã hội

Có lúc nào chúng ta nghĩ, trong đám những người là "cặn bã xã hội" chỉ là những người thất thế nhất thời, họ là người sống có tình có nghĩa, có trước có sau không?

Có thể chúng ta chứng kiến điều đó, nhưng chúng ta có những phản ứng khác nhau. Họ là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Cho dù họ có đi lên bằng những thủ đoạn, nhưng dù sao họ có tri thức, và chơi với họ dù sao cũng tốt hơn. Còn những người đánh giày, bán vé số, kẻ trộm cắp, lưu manh, giang hồ thì mãi mãi không tin tưởng được. Chơi với họ sẽ làm ô uế thanh danh của ta.

Thế đấy xã hội chúng ta là thế, đó là chuyện thị phi, bất kỳ thời nào, xã hội nào cũng có.

Và người ta thường nhìn vao mặt xấu hơn là mặt tốt của con người. Con người ta thường ám ảnh bởi những định kiến.

Trong tác phẩm của Kim Dung, vấn đề thị phi là một chủ đề lớn, tác giả bày tỏ quan điểm của mình trong bộ tiểu thuyết "Ỷ Thiên Đồ Long Ký".

Trương Vô Kỵ là kết quả của mối tình oan trái. Vô Kỵ có cha là Ngũ hiệp Trương Thúy Sơn của Võ Đang Thất Hiệp, lừng danh là chính phái. Mẹ Trương Vô Kỵ là ân Tố Tố, là con gái yêu của Thiên Ưng Giáo Bạch My Ưng Vương, là một tà phái. Trương Vô Kỵ có cha nuôi là Tạ Tốn, là người bị kẻ thù đang bị truy đuổi khắp Giang hồ. Tạ Tốn cũng đang giữ Đồ Long Đao, một tuyệt đao mà cả giang hồ đều muốn giành lấy. Trương Vô Kỵ có người yêu là Triệu Mẫn là con một Vương Gia nhà Nguyên kẻ thù của người Hán

Cha của Trương Vô Kỵ, vì không phải là người khoáng đạt, là người sống thiên về tình cảm, hay để ý đến thị phi, cuối cùng bị chết thảm, do không chịu nổi sức ép của Võ Lâm đồng đạo khi bị truy hỏi về nơi ở của Tạ Tốn và Đồ Long Đao. Mẹ Trương Vô Kỵ tuy thông minh hơn người, nhưng cũng không thoát khỏi vòng luẫn quẩn của mối quan hệ oan trái đó, nên cũng chết theo chồng cho tròn phẩm giá.

Lớn lên trong một gia đình như vậy, đáng lẽ Trương Vô Kỵ rất khó xử, nhưng anh là người như Tạ tốn nhận xét, thoáng đãng hơn người, không câu nệ chuyện thị phi, nên đạt những thành công lớn. Và quả thật cuối cùng Vô Kỵ đã làm nên những kỳ tích trong Võ Lâm

Đứng trước một con người, Trương Vô Kỵ không bao giờ theo định kiến của người đời là Chính phái và Tà phái. Anh nhìn thấy trong con người họ mặt tốt mặt xấu. Bởi vậy, Trương Vô Kỵ đã hết lòng chữa trị cho Thường Ngộ Xuân vốn thuộc Minh Giáo, bị giang hồ vẫn cho là Tà Giáo. Trương Vô Kỵ có mối thâm tình sâu sắc với cha con nhà Dương Tiêu cũng thuộc Minh Giáo, Trương Vô Kỵ không bị sức ép của đồng đạo võ lâm để nói ra chổ ở của cha nuôi mình. Anh cũng lấy hết sức mình ra chịu ba chưởng của Diệt Tuyệt Sư Thái để cứu một đám người Minh Giáo trước sự truy sát của những môn phái tự cho là Chính phái như Nga Mi, Hoa Sơn..., Trương Vô Kỵ dùng hết sức đến tận cùng lực kiệt để cứu những người bạn Minh giáo, vì chính anh không muốn mối thâm thù giữa hai phái chính tà càng sâu sắc thêm. Vô Kỵ cũng nhiều lần cứu đồng đạo Võ lâm để hòa giải sự mâu thuẫn giữa Minh Giáo và Võ lâm tuy rằng đồng đạo võ lâm là những người gây ra ái chết của cha mẹ anh. Cuối cùng Vô Kỵ là giáo chủ Minh Giáo , lãnh đạo Võ lâm chống lại quân Nguyên.

Sự không câu nệ chính phái tà phái của Vô Kỵ có lý. Minh giáo từ lâu tuy mang tiến là tà giáo nhưng có những con người hiệp nghĩa, khảng khái, như Dương Tiêu tả sứ, Pham Dao hữu sứ. Tứ Đại Hộ Giáo Pháp Vương (Tạ Tốn, ân Thiên Chính,..) trước đây làm chuyện ác nhiều, nhưng dưới trướng của Vô Kỵ đều là những người hiệp nghĩa, làm nhiều điều có ích cho Võ lâm. Thường Ngộ Xuân là người bạn thâm tình của Vô Kỵ cũng là người tốt.

Bên cạnh đó chúng ta thấy những người tự xưng là chính phái thì sao? Diệt Tuyệt Sư Thái với biệt danh là giết hết, không chừa một kẻ nào là tà giáo. Chính bà ta đã đẩy đệ tử của mình đến chết vì cô ta có quan hệ với Minh Giáo Dương Tiêu. Bà ta có một thành kiến sâu nặng với Trương Vô Kỵ, nên bắt đệ tử là Chu Chỉ Nhược giết anh, cuối cùng Trương Vô Kỵ gạt bỏ những hận thù để cứu bà ta từ trên lầu, nhưng cuối cùng bà cũng không chấp nhận nên tự nhảy lầu chết. Đó là bi kịch của một đời không sáng suốt nhận ra cái đúng cái sai, sống bằng sự thành kiến đã có từ trước. Bà ta có một đệ tử là Mẫn Nghi, là một phiên bản của sư phụ. Miệng thì nói là chính phái, nhưng nóng nảy, độc ác, mê quyền lực. Hà Thái Xung chưởng môn phái Côn Luân, năm lần bảy lượt hại Trương Vô Kỵ để bắt Vô Kỵ nói ra nơi ở của Tạ Tốn nhằm cướp Đồ Long Đao...vv

Như vậy là trong cái thế giới mà người ta tự xưng là chính phái, thì vẫn có rất nhiều con người xấu, hẹp hòi. Phải chăng, họ sống bằng cái danh của mình, mà quên mất một sự thật là mình là người chẳng danh giá hơn người khác bao nhiêu.

...Trong truyện Trương Vô Kỵ luôn hành xử theo tình người, không vì thành kiến hay định kiến trong quá khứ. Có lẽ anh luôn luôn ghi nhớ lời dạy của cha trước khi chết "gặp người ta, đừng chớ nên khinh thường, và đừng cho mình là người tốt, hoặc giỏi hơn họ". Chính vì vậy anh mới đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp võ công, trở thành nhân vật lẫy lừng giang hồ, người người kính ngưỡng. Cuối cùng anh bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi tình yêu với Triệu Mẫn, đó là lựa chọn của anh, bỏ qua những định kiến Triệu Mẫn là người ngoại bang.

Trương Vô Kỵ là thế đấy. Kim Dung đã phác họa nên một Trương Vô Kỵ, là giao thoa của Tà giáo và Chính giáo, đứng ra giảng hòa hai bên, giúp hai bên dẹp bỏ những ân oán để nghĩ về đất nước. Trương Vô Kỵ cũng tiêu biểu cho hòa khí con người.

Không có gì là tốt tuyệt đối cũng như không có gì là xấu tuyệt đối. Đừng nhìn khuyết điểm người ta lù lù trước mắt, mà hãy để ý thấy vẽ đẹp của người ta từ sau gáy, như vậy mới tạo ra sự khoáng đạt trong tinh thần tâm hồn,từ đó hành xử trong cuộc sống có tâm hơn, tạo nên những thành công mới.

.....Nếu như mọi người ai cũng có chút TVK, có chút rộng lượng của anh, có chút tình người của anh, có sự thoáng đạt của anh, thì hẵn mọi người chúng ta, đều là người hạnh phúc...

--------------------------



Hi, Bạn,

Theo tôi được biết thì Kim Dung không viết gì thêm sau 15 bộ Truyện Kiếm hiệp. Cuốn Hậu Cô gái đồ Long mà bạn nói chắc là của một tác giả nào đó đời sau.

Gần đây tôi có nghe Kim Dung sửa chữa tác phẩm của mình với những thay thế có tính chất "cách mạng"

Tui hầu như đồng ý với các bạn là bộ do Lương TRiều Vỹ đóng hay nhất. Lương Triều Vỹ thể hiện đạt nhất Trương Vô Kỵ qua các thời kì (mới lớn, ngây thơ, bị lường gạt..) và thời mới lập thân trên giang hồ, cũng như thời đã lịch duyệt hơn về sau.

Đồng thời bản 1987 đó, hay về cốt truyện, tình tiết, âm nhạc..Tuy thế không loại trừ những hạn chế chugn của phim kiếm hiệp thập nhiên 80.


DoanThanh Mai

Thật ra Thanh Giang bình luận  CGDL dựa trên phim do Tô Hữu Bằng đóng, các diễn viên qua từng thời kỳ có cách diễn xuât khác nhau, như Tiểu Siêu của Thiệu Mỹ Kỳ thật là thánh thiện, khi mình đọc truyện cách của mình thâm nhập vào truyện hầu như khác hẳn những bản phim đã dựng, tuy nhiên nếu bình luận  về cách chuyển tải nhân vật thì Lương Triều Vỹ hay nhất vì có cái ngây ngô, chân thật, và sử dụng chính bản chất chân thật của mình để giải quyết các vụ việc, về Triệu Minh tuy Lê Mỹ Nhàn không có cái đẹp của Lê Tư ,nhưng khi thể hiện tình yêu của mình, bằng ánh mắt của Lê Mỹ Nhàn đã chuyển tải một tình yêu "khắc cốt ghi tâm" (có lẻ vậy mà khi đóng xong phim này 2người yêu nhau).Tui đã xem phim này rất lâu rồi nhưng khi nhắc lại tui vẫn nhớ ánh mắt của Triệu Minh - Lê Mỹ Nhàn dành cho Vô Kỵ - Lương Triều Vỹ .

Chắc phải off để bình lựng phim quá Thanh Giang ơi.

à, tui chưa nghe qua Hậu CGĐL, ai có cho tui mượn nhé.

Thật ra tui rất thích xem truyện kiếm hiệp, ngọai trừ Kim Dung thì tui cũng đã xem hầu hết các tác phẩm của Cổ Long, Ngọa Long Tiên Sinh và một số tác giả khác.
Nếu xét về khía cạnh kiếm hiệp kỳ tình thì chắc KiM Dung không có sự Kỳ Bí của Cổ Long, hoang đường của Ngọa Long Tiên Sinh đâu, nhưng về nhân sinh quan thì chắc rằng không ai qua được Kim Dung.

Diễm xưa .

Theo mình vai Trương Vô Kỵ do Lương Triều Vỹ và Ngô Khải Hoa đóng là hay nhất về nội dung, bộ do Ngô Khải Hoa đóng có phần nhỉnh hơn về mặt diễn viên nữ ( xinh hơn ). Lê Tư xinh hơn Lê Mỹ Nhàn rất nhiều trong vai nữ chính ^_^. Trông đẹp mê ly luôn !!! 

à tiện thể cho mình hỏi, có bạn nào có đc bộ truyện Hậu cô gái đồ long của Kim Dung ko, mình chỉ mới đc nghe Bố mình kể lại. Bố mình có 1 bộ nhưng sau năm 75 thì thất lạc hết rùi, Bố mình giờ đã mất, mình vẫn muốn đi tìm cho đc bộ cuối cùng đó để đọc hết những gì Bố mình chưa kịp kể.
Mình nghe Bố kể là Hậu cô gái đồ long nói về đời con của Trương Vô Kỵ, Trương Vô Kỵ và Triệu Minh về băng hỏa đảo ở ẩn sinh đc 1 người con gái là Trương Thy Thy, 17 năm sau họ mới quay về đất liền ...

Bạn nào biết thông tin gì thì cho mình hay nhé, cám ơn nhiều lắm  

Lai Đinh

Tán thành....các film sau 2000 coi hổng vô...diễn viên tuy trẻ đẹp nhưng diễn xuất tồi, thiếu cảm xúc, kịch bản thêm wá nhiều chi tiết phụ nhảm nhí.....ko hiểu sao vẫn có người khen hay 

-------------------

Bài liên quan:

Cô Gái Đồ Long - Hay là câu chuyện về Thị phi Cô Gái Đồ Long - Hay là câu chuyện về Thị phi Reviewed by Phạm Thu Hương on 00:59 Rating: 5

Không có nhận xét nào: