Trong kiếm hiệp Kim Dung có nhiều nữ anh hùng không thua kém các đấng mày râu. Sử Tiểu Thúy trong Hiệp khách hành là một ví dụ. Tự cổ hồng nhan đã bạc mệnh rồi, nếu hồng nhan lại còn thêm khoản tâm cao khí ngạo, thì càng khổ sở lắm lắm. Rất nhiều người, kể cả gia nhân, đều không biết phu nhân của chưởng môn phái Tuyết Sơn Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thúy xưa kia từng có thời là nhân vật phong vân lừng lẫy chốn giang hồ, bấy giờ bao nhiêu là thanh niên anh tuấn xúm quanh, tranh thủ tình cảm của nàng. Vì cuối cùng nàng lấy Bạch Tự Tại, sinh đứa con trai Bạch Vạn Kiếm, nên mấy chục năm liền không ra khỏi thành Lăng Tiêu, biệt tích giang hồ, mới không nghe ai nhắc đến. Nếu Thạch Trung Ngọc không làm bậy, khiến cháu gái bà là Bạch A Tú nhảy xuống vực, con dâu bà phát điên, rồi Bạch Tự Tại không trách mắng bà một cách vô lý, thậm chí còn tát tai bà, thì bà đã chẳng bỏ nhà mà đi, trở lại giang hồ, hẳn sẽ chẳng ai biết Sử TiểuThúy là ai cả.
I
Chuyện cuộc đời Sử Tiểu Thúy tựa hồ rất bình thường, hồi trẻ, có bao nhiêu chàng trai nhòm ngó, nổi bật hai chàng Bạch Tự Tại và Đinh Bất Tứ, cha mẹ Sử Tiểu Thúy đã quyết định gả nàng cho Bạch Tự Tại, chưởng môn phái Tuyết Sơn, võ công cao cường, địa vị hiển vinh, tiền trình sáng sủa. Nhưng Bạch Tự Tại tính cách thô bạo, kiêu căng tự đại, thiếu sự thương hoa tiếc ngọc, càng thiếu ý thức tôn trọng nhân cách và sự bình đẳng vợ chồng. Bạch Tự Tại là điển hình chủ nghĩa nam tử và chủ nghĩa cá nhân trung tâm, cuối cùng lão tự đại phát cuồng. Do đó quan hệ vợ chồng giữa Sử Tiểu Thúy và Bạch Tự Tại không thể nói đến sự thuận hòa hạnh phúc. Điều này dễ khiến ta liên tưởng đến lối cha mẹ dựng vợ gả chồng ngày xưa. Sử Tiểu Thúy cả đời không hạnh phúc là do cha mẹ nàng ép gã cho Bạch Tự Tại.
Thực ra, chuyện tình yêu và cuộc đời của Sử Tiểu Thúy rắc rối hơn ta tưởng rất nhiều. Không chỉ bao hàm bi kịch tập tục văn hóa truyền thống, mà còn bao hàm xung đột của đời sống tình cảm thời nay. Sử Tiểu Thúy quyết không chịu thua kém đấng mày râu. Ví dụ thứ nhất, thời gian đầu sau khi kết hôn, Sử Tiểu Thúy luôn đối đầu với chồng, Bạch Tự Tại nổi nóng, nàng cũng nổi nóng, Sử Tiểu Thúy không chấp nhận quyền uy tuyệt đối của Bạch Tự Tại, càng không thần phục thái độ kiêu căng tự đại của Bạch Tự Tại. Tuy nói chung Sử Tiểu Thúy ở thế yếu, nhưng nàng không những không cam chịu, mà còn cố ý tìm cách chống đối và trả miếng chồng, chẳng hạn cố ý ca ngợi các ưu điểm của Đinh Bất Tứ, bày tỏ cảm tình của mình với chàng trai cũ. Điều đó làm cho Bạch Tự Tại mất cả an nhiên tự tại song lại không tìm được lý do để phát tiết, đành nuốt giận vào lòng, tích mãi thành vết thương trầm trọng.
Ở phần nói về Bạch Tự Tại, ta đã thấy sự thiếu hụt tình cảm ấy đã trở thành một trong ba nguyên nhân chủ yếu khiến Bạch Tự Tại phát điên. Cần nói rõ, Đinh Bất Tứ là người trước đây theo đuổi Sử Tiểu Thúy, xét về võ công, nhân phẩm, địa vị, đều thua kém Bạch Tự Tại. Do đó, có thể dễ nghĩ rằng, nếu để Sử Tiểu Thúy được chủ động lựa chọn một trong hai người, thì nàng sẽ chọn Bạch Tự Tại, chứ không lấy Đinh Bất Tứ. Nhưng vì cha mẹ Sử Tiểu Thúy chọn thay cho nàng, Bạch Tự Tại lại không tôn trọng nàng thích đáng, thành thử Sử Tiểu Thúy sau đó cứ hối hận, rằng giá như nàng lấy Đinh Bất Tứ thì sẽ sung sướng hơn! Cái tâm lý nghĩ trái đi ấy dần dần phát triển thành thứ tâm lý gọi là "xem cảnh bờ sông bên kia", theo đó thì "cảnh bờ sông bên kia bao giờ cũng đẹp hơn cảnh trước mắt". (Xem Hiệp khách hành).
Cái thứ không lấy được, trong trí tưởng tượng bao giờ cũng quí hơn : Đinh Bất Tứ trong trí tưởng tượng hơn hẳn Bạch Tự Tại ở trước mắt. Cuối cùng, đừng nói là trong trí tưởng tượng khó thấy rõ, mà dù có biết rõ, rằng tình cảm của mình đối với Đinh Bất Tứ không thể bằng đối với Bạch Tự Tại, song chỉ cần có thể chọc tức "oan gia" Bạch Tự Tại, thì Sử Tiểu Thúy cho là được. Cứ lấy việc luôn nhắc đến Đinh Bất Tứ làm thứ vũ khí đánh vào lòng tự ái, tự trọng của Bạch Tự Tại, kết quả là cả nàng và Bạch Tự Tại đều bị "sát thương". Ví dụ thứ hai chứng tỏ Sử Tiểu Thúy quyết không chịu thua kém đấng mày râu. Võ công của Sử Tiểu Thúy không bằng Bạch Tự Tại, nhưng nàng không chịu, cứ ngấm ngầm tìm kiếm môn võ công nào có thể khắc chế võ công của Bạch Tự Tại. Do đó, sau khi rời bỏ phái Tuyết Sơn, Sử Tiểu Thúy khai sáng võ công phái Kim Ô, tự lập môn phái, nhận Thạch Phá Thiên làm đệ tử, đặt tên cho đại đệ tử này là Sử Ức Đao. Khỏi cần nói, hành động này của Sử Tiểu Thúy là nhằm đối lập với Bạch Tự Tại, để cho lão thấy việc gì lão làm được, thì Sử Tiểu Thúy này cũng làm được, mà còn làm tốt hơn! Phái Kim Ô của bà rõ ràng đối chọi với phái Tuyết Sơn - Kim Ô là vầng dương, mặt trời, mặt trời mọc lên, thì núi tuyết (Tuyết Sơn) tan chảy! Ba chữ "Sử Ức Đao" cũng đối chọi với "Bạch Vạn Kiếm" - là tên gã đệ từ võ công cao nhất của phái Tuyết Sơn, cũng là con trai của bà với Bạch TựTại. Lão là vạn kiếm, thì ta là ức đao, mạnh hơn lão gấp vạn lần ! (một ức là trăm triệu).
Quan trọng hơn, chiêu thức của phái Kim Ô cũng hoàn toàn đối chọi với chiêu thức của phái Tuyết Sơn : chiêu thứ nhất của võ công phái Tuyết Sơn là "Thương tùng nghênh khách", thì chiêu thứ nhất của võ công phái Kim Ô là" Khai môn ấp đạo", chiêu thứ hai của ngươi là "Mai tuyết tranh xuân", thì chiêu thứ hai của ta là "Mai tuyết phùng hạ"... v.v... chiêu nào chiêu nấy đối chọi nhau chan chát. Sau đó đệ tử Sử Ức Đao (Thạch Phá Thiên) của bà sử dụng Kim Ô đao pháp đánh bại hoàn toàn Bạch Vạn Kiếm, làm cho lòng tự ái bị đè nén mấy chục năm được triệt tiêu hết mức. Sự việc kể trên chứng minh võ công và tính sáng tạo thiên phú, cũng như cá tính hiếu thắng của Sử Tiểu Thúy là chẳng thua kém giới mày râu. Các chiêu thức của Kim Ô đao pháp khắc chế chiêu thức của phái Tuyết Sơn không chỉ là trò chơi võ công và chữ nghĩa, mà còn miêu tả sinh động hàng loạt mâu thuẫn tâm lý và xung đột tính cách trong quan hệ hôn nhân nam nữ. Như vậy, ta cần đặc biệt thận trọng khi đánh giá tình cảm và hôn nhân của hai vợ chồng Bạch Tự Tại -Sử Tiểu Thúy. Một bên là tính cách kiêu căng tự đại của Bạch Tự Tại đè nén nghiêm trọng nhân cách, lòng tự trọng và tài trí của Sử Tiểu Thúy, làm cho Sử Tiểu Thúy quyết tâm sáng lập môn hộ, chứng minh mình đủ khả năng đánh bại đối phương. Một bên là Sử Tiểu Thúy trước sau sử dụng phương pháp đối chọi, "trả thù”, tranh giành "hơn thua" với "oan gia". Bên nam thì trọng nam khinh nữ, bên nữ thì quyết đòi nữ quyền. Cặp vợ chồng nhà này tượng trưng cho "cuộc chiến giới tính" vậy.
II
Như vậy, chuyện tình yêu và cuộc đời của Sử Tiểu Thúy vượt ra khỏi chủ đề phê phán kiểu hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Bi kịch tình yêu và cuộc đời của Sử Tiểu Thúy chủ yếu không phải do cha mẹ nàng ép buộc hôn nhân, mà là do mâu thuẫn tính cách, xung đột tâm lý và đối lập giới tính giữa hai vợ chồng họ. Như trên đã nói, nếu để Sử Tiểu Thúy được chủ động lựa chọn một trong hai người, thì nàng sẽ chọn Bạch Tự Tại, chứ không lấy Đinh Bất Tứ. Trong sách có đưa ra một minh chứng hùng hồn, ấy là khi tức giận rời bỏ phái Tuyết Sơn, bất ngờ gặp lại Đinh Bất Tứ chốn giang hồ, Đinh Bất Tứ nhớ mối tình cũ, hết sức ân cần mời mọc, Sử Tiểu Thúy cương quyết từ chối. Đinh Bất Tứ cuối cùng tức quá, cứ bám riết gây sự, làm cho Sử Tiểu Thúy và A Tú bị tẩu hỏa nhập ma, song Sử Tiểu Thúy vẫn thà chết không khuất phục.
Trước kia, do nhiều nguyên nhân, như cách sông ngắm cảnh, tâm lý chống đối, nói năng thiếu suy nghĩ, Sử Tiểu Thúy từng tạo ra chuyện thần thoại "yêu Đinh Bất Tứ", nay thì không có chuyện đó. Cũng có nghĩa là, người mà Sử Tiểu Thúy yêu thương sâu sắc quyết không phải là Đinh Bất Tứ cứ lằng nhằng bám theo kia, mà thật ra là gã Bạch Tự Tại kiêu căng tự đại. Bằng chứng về tình yêu sâu sắc của Bạch Tự Tại đối với Sử Tiểu Thúy là lão phát điên khi nghe tin vợ mình bỏ nhà đi và "phản bội" lão. Bằng chứng về tình yêu sâu sắc của Sử Tiểu Thúy đối với Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thúy, thứ nhất, cự tuyệt Đinh Bất Tứ, thứ hai, sáng tạo ra Kim Ô đao pháp, không chỉ có thể khắc chế kiếm pháp phái Tuyết Sơn, mà thực ra còn có ý đồ sâu xa hơn, là phối hợp với kiếm pháp phái Tuyết Sơn, kề vai tác chiến. Chứng cứ là Sử Tiểu Thúy từng nói với Thạch Phá Thiên, khi bà sử Kim Ô đao pháp, còn cháu bà là A Tú sử "Ngọc thố kiếm pháp", thì giống như "nhật nguyệt luân chuyển, đừng nói lão yêu quái Đinh Bất Tứ bàng môn tả đạo, mà ngay cả sứ giả "thưởng thiện trừng ác" gây họa cho võ lâm, cũng chạy trốn không kịp". (Xem Hiệp khách hành). Cái gọi là "Ngọc thố kiếm pháp" đương nhiên là tên gọi khác của kiếm pháp phái Tuyết Sơn. Ý tưởng này giống như nhân vật Lâm Triêu Anh trong bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, sáng tạo "Ngọc nữ kiếm pháp" là môn võ công vừa có thể khắc chế kiếm pháp phái Toàn Chân, cũng có thể kề vai với kiếm pháp phái Toàn Chân mà đánh kẻ thù chung. Về sau Thạch Phá Thiên sử dụng Kim Ô đao pháp liên thủ với kiếm pháp phái Tuyết Sơn của Bạch Vạn Kiếm mà đấu với hai anh em Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, vô cùng uy lực làm cho anh em Đinh Bất Tứ chạy bán sống bán chết, chứng tỏ những gì Sử Tiểu Thúy nghĩ và nói đều là thật. Chẳng qua bạn đọc nào không để ý thường không nhận biết tâm ý bí mật đó của Sử Tiểu Thúy. Đương nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý, rằng thứ đao pháp do Sử Tiểu Thúy sáng tạo ra được gọi là "Kim Ô (mặt trời), còn kiếm pháp của phái Tuyết Sơn thì Sử Tiểu Thúy gọi là "Ngọc thố” (mặt trăng), còn hàm ý Sử Tiểu Thúy thắng Bạch Tự Tại.
Cái ý này giống như nhân vật Lý Mạc Sầu trong bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, ví mình là bông hoa hồng, còn Lục Triển Nguyên chỉ là cái lá làm nền thôi vậy. Bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy Sử Tiểu Thúy yêu thương Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thúy và A Tú cuối cùng trở về thành Lăng Tiêu phái Tuyết Sơn với Bạch Tự Tại, dùng chân tình của mình giúp Bạch Tự Tại phục hồi lý trí. Đoạn tả Sử Tiểu Thúy cứu giúp Bạch Tự Tại cho thấy, tuy ngoài mặt Sử Tiểu Thúy vẫn giữ thái độ cau có như cũ, tuy luôn miệng gọi Bạch Tự Tại là "lão chết tiệt", nhưng mọi hành vi đều toát ra tình yêu thương sâu sắc đối với chồng. Lúc đó, Sử Tiểu Thúy nghĩ : "Hai ta đã là vợ chồng suốt một đời, lẽ nào về già lại chia lìa? Tướng công muốn giam mình trong thạch lao để tự trừng phạt về lỗi lầm đã qua, thì ta sẽ cùng ở thạch lao với tướng công đến chết..." (Xem Hiệp khách hành).
Khi Bạch Tự Tại đi ra đảo Hiệp Khách, Sử Tiểu Thúy có hẹn với chồng, nếu ông gặp nạn không trở về, bà sẽ nhảy xuống biển tự tận cùng ông! Nếu Sử Tiểu Thúy không yêu Bạch Tự Tại, mà chỉ có căm ghét, thì làm sao với năng lực và cá tính như thế, Sử Tiểu Thúy lại có thể duy trì hôn nhân đến tận lúc bạc đầu? Tại sao Sử Tiểu Thúy không sớm bỏ xuống núi, trở lại giang hồ, đi tìm người yêu của mình, nếu quả thật có người yêu? Về chuyện này, có người sẽ nói, Sử Tiểu Thúy sống bên bạo quân mấy chục năm, khổ hết chịu nổi, mới quyết tâm bỏ nhà mà đi, nhưng khi được tự do thì tóc đã bạc, nhân sự trong giang hồ đã hoàn toàn thay đổi. Vì chẳng còn chỗ nào khác để đi, nên đành trở về với phái Tuyết Sơn vậy. Nhưng cũng có thể lý giải rằng chỉ sau khi rời bỏ Bạch Tự Tại, Sử Tiểu Thúy mới thấy hết tình yêu của mình với chồng, chỉ khi gặp lại Đinh Bất Tứ, mới phát hiện giả tưởng "cách sông ngắm cảnh" trước đây của mình là hoang đường; chỉ sau một phen tự phản tỉnh, mới hiểu ra sự thật cuộc đời và tình yêu của mình. Có phải vậy chăng? Thật khó kết luận. Có điều thấy rõ là Sử Tiểu Thúy má đào ngày nào nay đã bạc trắng mái đầu.
---------------
Bài liên quan:
Sử Tiểu Thúy không thua đấng mày râu
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
05:30
Rating:
Không có nhận xét nào: