ads

Chuyện chó trong tiểu thuyết Kim Dung

Đồ Bì

Tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung (Trung Quốc) là tiểu thuyết võ hiệp, đáng lẽ chẳng liên hệ gì đến chó mèo cả. Ấy vậy mà trong tác phẩm của mình, ông lại dành cho con chó khá nhiều tình cảm mới là điều lạ.

Tác phẩm Hiệp khách hành nói về cuộc đời của cậu bé Cẩu Tạp Chủng. Cẩu tạp chủng có nghĩa là chó lộn giống. Nguyên là cậu cũng có cha mẹ đàng hoàng tử tế nhưng một người phụ nữ ghen với mẹ cậu, đã bắt cậu về nuôi từ khi mới 3 tháng tuổi. Bà đặt tên cho cậu là Cẩu Tạp Chủng để khi nhớ tới mẹ cậu, bà kêu tên cậu... chửi cho đỡ buồn.

Mãi đến khi lớn lên, cậu bé mới hiểu mình tên là Thạch Phá Thiên, con của Thạch Thanh và Mẫn Nhu ở Giang Nam. Tuy cái tên rất xấu, nhưng Cẩu Tạp Chủng đã thể hiện phong cách của một người anh hùng đúng nghĩa, khác xa với người anh ruột của cậu, vốn có tên Thạch Trung Ngọc cực đẹp nhưng hành vi lại rất xấu xa.

Cùng đi theo Cẩu Tạp Chủng là một con chó lông vàng thông minh, trung thành tên là A Hoàng. Hiệp khách hành là một tác phẩm vinh danh loài chó, chỉ tiếc loài chó không biết đọc chữ! Ở vài tác phẩm khác, hình ảnh con chó cũng hiện ra. Chàng trai Trương Vô Kỵ mới 14 tuổi, lên Thiên Sơn, đã bị bầy chó săn của Chu Cửu Chân rượt cắn.

Tác phẩm Ỷ thiên đồ long ký gọi đây là bầy ác cẩu (chó dữ). Trong tác phẩm Bích huyết kiếm, Kim Dung còn tả cảnh hàng vạn con chó... sói (lang), rượt đuổi các con mồi trên sa mạc Hoàng Thổ dưới núi Thiên Sơn. Chó sói... cũng là chó vậy, chẳng qua là chúng chưa được thuần hóa mà thôi.

Có chó, tất phải có chuyện ăn thịt chó. Tuy tiểu thuyết của Kim Dung chưa tập trung được nhiều thịt chó như ở chợ Ông Tạ, nhưng nhiều nhân vật của ông rất khoái món thịt chó. Trong Thiên long bát bộ, có nhà sư Tam Tĩnh vi phạm giới luật, ăn thịt chó uống rượu đế đàng hoàng. Nhân vật Hồng Thất Công trong Xạ điêu anh hùng truyện là một ông trùm ăn thịt chó.

Trong Ỷ thiên đồ long ký cũng có chuyện quân Mông Cổ canh gác Đại Đô (Bắc Kinh), nấu nồi thịt chó, hơi thơm bay ngất trời xanh. Nhân vật Phạm Dao - Quang minh hữu sứ của Minh giáo đã đến bốc một cục ăn trước, nhân đó đổ thuốc Thập hương nhuyễn cân tán vào nồi thịt chó để đầu độc cả bọn, rồi tìm thuốc giải cứu quần hùng Trung Quốc.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Điền Bá Quang bày đặt vu cáo Định Dật sư thái uống rượu ăn thịt chó khiến cô Nghi Lâm phải cãi lại: “Dù ngươi có rình mò thì cũng không bao giờ thấy sư phụ ta ăn thịt chó uống rượu đâu!”. Chiêu thức võ công cũng mang tên con chó đàng hoàng. Phong Ba Ác (trong Thiên long bát bộ) đấu võ với Trần trưởng lão của Cái Bang, đã há miệng... cắn họ Trần một miếng.

Bao Bất Đồng - cùng phe Phong Ba Ác - gọi đó là thế “Lã Đồng Tân giảo cẩu” (Lã Đồng Tân cắn chó). Làm gì có chiêu thức kỳ quái này, chỉ có chiêu thức “Cẩu giảo Lã Đồng Tân” (chó cắn Lã Đồng Tân). Thế nhưng vì không nỡ gọi đồng bọn mình là chó nên Bao Bất Đồng đã đảo ngược lại.

Cũng trong Thiên long bát bộ, Mộ Dung Phục đánh té sấp địch thủ của mình là Đoàn Dự. Hắn giễu cợt Đoàn Dự đang sử dụng chiêu “Ác cẩu ngật xí” (chó dữ táp phân). Đoàn Dự nổi nóng, đã dùng Lục mạch thần kiếm đánh cho hắn té đái vãi phân. Bọn hào sĩ giang hồ Cái Bang chuyên đi xin ăn, nên rất ghét con chó. Mỗi người phải cầm theo một cây gậy để xua chó.

Từ đó, Kim Dung đặt ra một pho võ công gọi là “Đả cẩu bổng pháp” (phép dùng gậy đánh chó). Theo ông, loại võ công này rất cao cường, gồm 72 đòn thế, chỉ sử dụng một cây gậy trúc mà chống được quyền, chưởng, đao, kiếm... Tất nhiên, “cẩu” ở đây không còn là con chó nữa mà nó là kẻ thù địch, kẻ tàn bạo, quân xâm lược.

Các bang chủ Cái Bang như Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Lỗ Hữu Cước đều sử dụng nhuần nhuyễn “Đả cẩu bổng pháp” này. Từ con chó trong tiểu thuyết, tôi nghĩ đến chuyện... con người trong đời thường. Các cơ quan pháp luật, cơ quan thanh tra cũng đã dùng một loại “bổng pháp” để đánh mấy anh (chị) tham ô.

Tham ô ăn đủ thứ: quota, dầu khí, sắt thép, tiền dự án, tiền xây dựng cơ bản... Một năm qua, các vị đó “đánh” khá riết nhưng hình như càng đánh thì càng... hổng hết (?). Có lẽ, đòn thức, chiêu thế của chúng ta chưa linh hoạt, chưa biến hóa vi diệu như “Đả cẩu bổng pháp” của Cái Bang.

Tôi đề nghị như vầy: Trong năm con Chó này, ta hãy đọc... tiểu thuyết Kim Dung, nghiên cứu lại 72 đường “Đả cẩu bổng pháp”, đánh cho đúng và cho trúng. Chớ còn đánh dở dở ương ương kiểu ông gì gì đi thanh tra cái vụ gì gì đó, cuối cùng được tặng đất, lại thỏa hiệp luôn với tham ô thì dân họ cười chết!

Mà khi dân họ cười thì họ lại đi tin chuyện trong tiểu thuyết võ hiệp hơn là tin mình. Cái đó mới là vẽ cọp thành chó! Mình phải làm sao cho cái “Tân Đả cẩu bổng pháp” của mình cũng linh nghiệm ngang bằng hoặc hơn cái “Đả cẩu bổng pháp” của Kim Dung.

-----------
Chuyện chó trong tiểu thuyết Kim Dung Chuyện chó trong tiểu thuyết Kim Dung Reviewed by Phạm Thu Hương on 20:34 Rating: 5

Không có nhận xét nào: